Bố Già Ngọc Thứ Lang
Bố Già Ngọc Thứ Lang
Nếu nhìn nhận dịch thuật là sáng tạo một lần nữa, thì bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang xứng đáng được ký tên chung đồng tác giả Mario Puzo – Ngọc Thứ Lang.

Bản dịch Việt ngữ thần sầu của Ngọc tiên sinh ắt là phóng bút khoái hoạt, xuất sắc thứ nhì trong lịch sử văn học Việt Nam, sau Kim Vân Kiều truyện, là phóng tác của Nguyễn Du trên nền Đoạn trường tân thanh của Thanh Tâm tài nhân.

Trước và sau “Bố Già” của Ngọc Thứ Lang, tất cả các version khác đều nhạt nhoà, kể cả nguyên tác Anh ngữ (anh Mạnh Kim đã có một nhận xét rất chí lý là đọc bản Việt ngữ “đã” hơn rất nhiều so với bản gốc bằng Anh ngữ)


Xét về mặt tiếp biến văn hoá, bản dịch Bố Già chí ít là tương đương với sự bản địa hoá hình tượng Đức Mẹ La vang hay bức tượng Đức Phật cầm đoá sen rất an nhiên ở Trúc Lâm thiền viện Đà lạt, hay các bản chuyển thể nhạc ngoại quốc La beau Danube bleu của J. Strauss hay Serenata của Toselli mà Phạm Duy đã đặt lại lời Việt…

Những hiện tượng văn hoá sáng chói đó không tự sinh ra như một đột biến. Mà từ một nền tảng xã hội- văn hoá rất cao dày, thâm hậu.

Thật tiếc lắm thay…

(Nguồn: DrNikonian)
----

Xin mời quý vị đọc tiếp bài viết bên dưới của nhà văn Hoàng Hải Thuỷ:

Năm 1951 tôi rời Hà Nội vào Sài Gòn. Sáng mùa xuân, phi trường Gia Lâm trắng mưa xuân — mưa bụi, loại mưa đặc biệt chỉ mùa xuân ở Bắc Việt mới có. Hạt mưa thật nhỏ, chỉ những thiếu nữ Hà Nội mặc áo nhung mới có làn mưa trăng trắng bám trên hai cánh tay áo. Áo nhung, chỉ áo nhung mới có làn mưa bụi trắng ấy, những loại hàng khác thấm nước mưa nên không có làn mưa trắng mỏng này.

Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu. Năm ấy tôi  mang theo cây đàn lên phi cơ nhưng số tôi không khá về mặt đàn địch — “không khá” không đúng, phải nói là “Dzêrô Ghi-ta” — ba lần tôi học đàn nhưng rồi tôi cũng bỏ cuộc, không chơi nổi được lấy một bài tủ cho ra hồn, như bài La Vie en Rose tôi rất thích. Năm 1950 tôi học đàn thầy Tạ Tấn ở Hà Nội, năm 1951 tôi học đàn thầy Vĩnh Lợi ở Sài Gòn, năm 1959 tôi học đàn thầy Lâm Tuyền ở Sài Gòn. Ba lần học, thầy dậy đàng hoàng,  tôi vẫn không đàn được. Quá tam ba bận. Không được là không được.

Năm 1952 tôi làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, tòa soạn ở đường Bonard, gần tiệm ăn Kim Hoa cạnh rạp xi-nê-ma Casino de Saigon. Những năm 1970 nhà này là Tiệm Kem Kim Ðiệp. Thời ấy — một nửa thế kỷ trôi qua – Sài Gòn an tĩnh, đời sống ở Sài Gòn tương đối thanh bình, chiến tranh Việt Pháp diễn ra dữ dội ở miền Bắc, miền Trung, những tờ nhật báo Sài Gòn không có nhiều tin giựt gân — kể cả những tin không giật gân, tin xe cán chó — để đăng. Một hôm có chiếc xe buýt chạy đường Phú Nhuận—Sài Gòn lạc tay lái đâm vào cổng Dinh Gia Long, vài người bị thương nhẹ — Năm ấy Cao Ủy Pháp ở trong tòa nhà về sau ta gọi là Dinh Ðộc Lập, chính phủ ta, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, ở Dinh Gia Long. Tôi đến nơi xẩy ra tai nạn lấy tin. Ðang đứng láng cháng hỏi và ghi chép tôi nghe tiếng người hỏi:

— Báo nào thế?

Người hỏi là Nguyễn Ngọc Tú, tức Ngọc Thứ Lang, người những năm 1965, 1970 là dịch giả tiểu thuyết Bố Già dịch từ The Godfather của Mario Puzo. Lúc tôi đến đấy, tình cờ Tú cũng đến đấy. Ðấy là lần đầu tiên tôi gập Tú. Tú trạc tuổi tôi, công tử Bắc kỳ — những năm đầu thập niên 1950 chúng tôi mới hai mươi tuổi. Tôi vào Sài Gòn đã sớm, Tú còn vào Sài Gòn sớm hơn tôi. Chắc vì là con thứ nên Tú lấy bút hiệu là Ngọc Thứ Lang. Gập nhau chúng tôi thân nhau ngay. Tú nói anh từng là nhân viên tòa báo của ông Hiền Sĩ. Dường như là tờ Phục Hưng. Ðây là tờ nhật báo Việt đầu tiên ra đời ở Sài Gòn sau khi người Pháp trở lại Ðông Dương năm 1945. Nghe nói Phục Hưng là tờ nhật báo do Sở Thông Tin Pháp tài trợ để tuyên truyền cho Pháp. Do đó Phục Hưng bị coi là “báo Việt Gian.” Báo có mặt ở Sài Gòn chừng hai, ba năm thì Sở Thông Tin Pháp cho đình bản. Trong tòa soạn báo Phục Hưng  có anh Trường Sơn Nguyễn Huy Thái, một ký giả có tài của làng báo Sài Gòn trước năm 1954. Một bút hiệu khác của anh Thái là Huy Thanh. Anh qua đời khoảng năm 1990 ở Sài Gòn. Năm 1952 khi tôi gập Tú và thân với Tú tờ báo của ông Hiền Sĩ đã đóng cửa từ lâu, ông Hiền Sĩ đã về Chợ Gạo, Mỹ Tho làm Cai Tổng. Có lần tôi thấy ông đến tòa soạn báo Sàigònmới thăm ông bà Bút Trà. Lên Sài Gòn ông Hiền Sĩ vẫn ăn bận đúng kiểu Cai Tổng Nam kỳ lục tỉnh: đội mũ nỉ, miệng ngậm ông vố, tay cầm ba-toong, mặc bộ đồ sá xẩu, chân đi giép, răng vàng, nói cười rổn rảng.

Về chuyện Tú là nhân viên tờ báo của ông Hiền Sĩ tôi phải viết thêm: đấy là chuyện Tú kể với tôi. Mới đây khi nhắc đến Tú, một ông bạn nói Tú du học ở Paris đến năm 1954 mới về nước. Tôi hỏi ai nói, ông bạn nói Tú nói. Tôi biết Tú không có đi Tây, đi Tầu chi hết, kể cả Tây Ninh Tú cũng chưa bao giờ đi. Thành ra chuyện Tú nói với tôi  anh từng là nhân viên nhật báo Phục Hưng của ông Hiền Sĩ tôi sợ cũng chỉ là chuyện Tú nói.

Tú bằng tuổi tôi, học hành lem nhem như tôi, chúng tôi cùng bỏ học sớm, cùng biết tí đỉnh Pháp văn, Anh văn. Tú thông minh hơn tôi, Tú sắc xảo nước đời hơn tôi, ít tuổi nhưng hay chơi trội: mới hai mươi tuổi đã  vào Nhà Cercle Sòng Bạc Kim Chung đánh roulette, hút thuốc phiện. Năm 1955 Tú kiếm được nhiều tiền. Anh in và bán quyển “Tại sao tôi di cư ?” cho Bộ Thông Tin Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa — thời Bộ trưởng Cao Ðài Phạm Xuân Thái. Nghe nói ông Bàng Bá Lân là tác giả quyển sách nhỏ ấy. Sách ra đúng thời điểm, đúng nhu cầu. Ông Bàng Bá Lân viết sách, Tú mang sách vào bán cho Bộ Thông Tin. Không bán bản quyền mà tác giả in sách, sách tuyên truyền, chừng 100 trang, Bộ Thông Tin mua cả chục ngàn quyển. Nhờ việc chia tiền lời với ông Bàng Bá Lân, Tú có cả trăm ngàn đồng, số tiền thật lớn thời đó. Anh ăn diện: sơ-mi Valisère hàng nylon mới từ Paris sang bán ở tiệm đồ đàn ông mode nhất, đắt nhất thời đó trên đường Tự Do, dùng đồng hồ vuông mặt đen, mũ Mossant, cặp da nâu bệ vệ như cặp của Bộ trưởng Phạm Xuân Thái, máy chữ portatif, quạt máy Marelli, hút thuốc lá Mỹ Phillip Morris Vàng Kingsize, bật lửa Dupont, ăn cơm Tây, rượu chát vv..

Và Tú gập tình yêu. Nàng là cô giáo người Bắc, nhà ở gần ngay nhà Tú — đường Genibrel, từ sau 1956 là đường Huyền Quang, Tân Ðịnh — cô giáo có chồng. Chồng nàng ra bưng kháng chiến. Nàng ở Sài Gòn dậy học, sống với đứa con nhỏ và bà mẹ, chờ đợi chồng trở về. Cô giáo trung thành với chồng. Chiến tranh chấm dứt, đất nước chia đôi, tháng 12 năm 1954 chồng nàng từ Ðồng Tháp Mười tập kết lên tầu Ba Lan ra Bắc. Thấy chồng không chịu trở về, cô giáo thất vọng. Nàng trao trái tim nàng cho Tú. Cuộc tình của họ gập trắc trở. Dường như bà mẹ của cô giáo không bằng lòng. Cô giáo tự tử chết, bỏ lại mẹ già, con thơ. Thật tội. Ðời Tú, từ cái chết bi thảm của cô giáo, bắt đầu xuống dốc không phanh. Anh nằm luôn trong một nhà bán thuốc phiện ở hẻm Monceaux, Tân Ðịnh, sau 1956 là đường Huỳnh Tịnh Của nối dài. Anh ăn, hút, ngủ trong nhà đó luôn, bán dần đồng hồ, máy chữ, cặp da  trả tiền hút. Tú ra khỏi nhà đó hai tay không với bệnh nghiện hút nặng.

Từ sau năm 1954 đất nước chia đôi nguồn cung cấp á phiện cho miền Nam Việt nam, nay là Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, không đến từ Bắc Việt nữa mà đến từ vùng Xiêng Khoảng nước bạn Ai lao, hoặc vùng gọi là Tam Giác Vàng. Hàng – á phiện – từ Lào về Sài Gòn bằng đường hàng không. Năm 1960, 1961 Ai Lao có nạn binh biến, đảo chính xẩy ra chí chạt: Ðại úy Nhẩy Dù Lèo Khong Le làm đảo chính, đuổi Thủ Tướng, rồi hai ông Hoàng Lèo Phoumi, Phouma tranh quyền Thủ Tướng đánh nhau liên miên. Trong một lần hai ông Hoàng Lèo tranh quyền, Vientiane bị giới nghiêm, phi trường Vientiane đóng cửa nhiều ngày. Phi cơ không bay, á phiện Lèo không về được Sài Gòn. Tình hình giới HítTôPhê Việt Nam Cộng Hòa thập phần nguy kịch. Ðệ tử của Cô Ba Phù Dung có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng khônng thể nhịn hút dù chỉ là nửa ngày. Ðệ tử Cô Ba Phù Dung có thể thiếu cơm — thực ra là mấy ổng Tiên Ông Phi Yến Thu Lâm săng phú cơm, săng phú luôn cả thịt cá, rau dưa — nhưng mấy ổng không thể nửa ngày không có thoóc. Thời ấy trong giới Hít Tốp có câu nói:

—  Phu Mi, Phu Ma đánh nhau, PhuMơ chết!

PhuMơ: fumeur, tiếng gọi khác là phum, dân phum, tức dân hút thuốc phiện.

Mà PhuMơ Mít chết thật. Hàng không về, thuốc tăng giá. Những nhà còn thuốc giữ lại không bán ra. Gần như có tiền và chịu giá đắt mấy cũng không mua được thuốc. Mà lính của Cô Ba thì tuyệt đại đa số là đọi, tức tiên khồng. Chít mất. Chít là cái chắc! Nô thoóc! Không có thoóc! Làm sao bi giờ? Trong cơn nguy cấp ấy không biết  ông Con Trai Bà Cả Ðọi Hít Tô Phơ thông minh nào có óc khoa học vật lý hóa kiêm bào chế sư nẩy ra sáng kiến thần sầu cứu nguy cho thân mình và đồng bạn bằng cách: lấy sái thuốc phiện nấu lên với nước, lọc đại khái cho nước thuốc không có cặn, rút vào ống chích, chích thẳng vào gân máu. Sáng kiến này dựa trên sự phân tích khoa học: hút khói thuốc phiện vào phổi, phổi đưa chất thuốc vào máu. Tiến trình này mất thì giờ và tốn thuốc, mười phần thuốc được dùng thì chất vào máu chỉ được hai, ba phần. Tại sao không  nấu cho sái tan  ra nước — thuốc phiện chưa hút cháy thành sái lại không dùng được trong trò chích choác này — lấy nước sái chích thẳng vào mạch máu? Chích như vậy là thuốc vào máu đủ chăm phần chăm, ép-phê liền tù tì tút suỵt, chưa rút mũi kim chích ra  thuốc đã vào đến  tim, lại không bị tiêu hao, phí phạm môt ly ông cụ nào.

Thế là từ đó thế giới Ma Túy Việt Nam Cộng Hòa có thêm trò chích choác. Rồi màn kịch vô duyên mấy trự Gà Lèo không bôi mặt cũng đá nhau sặc mắm ngóe rồi cũng phải ngừng, á phiện lại từ Lèo bay về Sài Gòn đều đều, nhưng dân nghiện Sài Gòn đã có thêm trò chích choác. Dân nghiện ma túy Âu Mỹ chích cocaine, heroine, gọi chung là bạch phiến, chất trắng, là tinh chất của á phiện. Dân nghiền Việt chích bằng nước sái thuốc phiện, chất nước mầu nâu sẫm hay vàng nhạt, đậm hay đặc, tùy theo số sái và số nước nhiều hay ít. Người đã choác khó có thể bỏ choác để trở lại hít, tức hút. Vì choác quá nặng. Ðang hút 100 đồng người nghiện chỉ cần choác 10 đồng là phê khủng khiếp, choác phê hơn hít nhiều. Và Choác  tàn phá con người nặng, mạnh và nhanh hơn Hít rất nhiều. Cai thuốc phiện khó hơn lên trời, nhưng người nghiện hút may ra còn có thể cai được — Cai: bỏ hút — còn Choác thì vô phương. Choác một năm cơ thể bị tàn phá bằng Hít mười năm.

Tú Lé — Tú bị lé một mắt nên chúng tôi gọi anh là Tú Lé — từ Hít sang Choác. Những năm 1965  Tú chuyên mặc sơ-mi dài tay. Những gân máu trên hai cánh tay anh bị chích nhiều quá thành chai cứng, đen sì, trũng xuống như lòng máng nước. Tú viết cho Tuần San Thứ Tư của Nguyễn Ðức Nhuận và lai rai cho nhiều báo khác, anh lấy bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Nhuận đưa The Godfather  cho Tú dịch. Tú chọn tên Bố Già và bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang là một bestseller của tiểu thuyết Sài Gòn những năm 1968, 1972.

Năm 1976 Tú và tôi đến dự cái gọi là Khoá Bồi Dưỡng Chính Trị cho văn nghệ sĩ Sài Gòn do Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố Hồ chí Minh tổ chức. Cùng dự khóa này với chúng tôi có Phan Nghị, Nguyễn đình Toàn, An Khê, Lê Minh Ngọc, Cao nguyên Lang, Nguyễn Ước, Phan Kim Thịnh, Nguyễn Mộng Giác..vv. Hai mươi mốt ngày “học tập,”  học viên được Thành Ủy cấp mỗi ngày một đồng tiền công tác phí. Ngày học viên được mua nhu yếu phẩm, được phát đúng hơn, tiền mua số nhu yếu phẩm này lấy từ trong số 21 đồng tiền công tác phí: hai hộp sữa, hai gói thuốc điếu Vàm Cỏ, một ký đường, hai gói mì, một cây kem đánh răng, nửa ký  bột giặt, hai trăm gam bột ngọt vv.. Lãnh nhu yếu phẩm xong học viên Nguyễn Ngọc Tú, tức Ngọc Thứ Lang, tác giả Bố Già, biến mất liền trong hai ngày không đến lớp. Chúng tôi nói với nhau: “…Ngọc Thứ Lang mang nhu yếu phẩm đi hưởng bồi dưỡng rồi..” Anh đổi số nhu yếu phẩm ấy lấy thuốc chích.

Cuối năm 1976 ký giả Hồ Ông — hiện ở Sydney, Úc, làm báo — cho tôi hay: “Anh Tú bị bắt đi phục hồi nhân phẩm trên Bình Triệu. Anh ấy nhắn về bảo anh lên thăm.” Một sáng Hồ Ông và tôi trên hai xế đạp lên Bình Triệu thăm Tú. Trung Tâm cai ma túy của thành phố được đặt trong tòa nhà Tu Viện Fatima. Tu viện vừa xây cất xong, chưa khai trương thì bị chiếm. Phòng ốc rộng rãi, mát mẻ, sạch sẽ, thênh thang, thừa tiện nghi, bể xi-măng chưá nước máy lớn ở vườn sau, tha hồ tắm. Mỗi phòng  dự định dành cho một tu sĩ nay có ba, bốn anh nghiện ở, phòng không có đồ đạc, bàn ghế gì cả, chỉ có mấy cái chiếu trải trên sàn. Ða số là dân choác, bị công an hốt đi từ những động choác. Rất ít người được gia đình tiếp tế.  Anh em vào đây chỉ với một bộ quần áo đang mặc trên người.

Khi tôi đến gập Tú anh đã khoẻ, đi lại, ăn uống được. Những vết chích trên da thịt anh bị lở loét nhưng không sao, rồi sẽ lành. Nhiều người cai choác bị lở như vậy. Tú dẫn tôi đến xem tờ bích báo của Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm. Báo có 7 bài, một mình Tú viết 5 bài. Nghề của chàng. Tú kể chuyện có nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung Tâm, Tú nói được tiếng Pháp, tiếng Anh nên ban quản đốc đưa anh ra nói chuyện với khách. Nữ ký giả ngạc nhiên khi nghe nói Tú là dịch giả The Godfather của Mario Puzo. Chắc cô nghĩ, theo những tiêu chuẩn kinh tế thị trường Âu Mỹ, đã là dịch giả The Godfather thì đâu có thể thân tàn, ma dại quá đến như Ngọc Thứ Lang. Cô nhà báo không tin. Tú được phép của trại về Sài Gòn lấy quyển Bố Già đem lên Trung Tâm cho nữ ký giả thấy là thật.

Tú nói sau thời gian cai nghiện ở Trung Tâm Bình Triệu đệ tử của Cô Ba sẽ phải đi nông trường cải tạo ít nhất là hai năm, nhưng vì Tú có khả năng ban quản đốc sẽ giữ Tú lại làm việc ở Trung Tâm. Tốt thôi. Ðấy là lần cuối cùng tôi gập Tú. Từ lần chúng tôi gập nhau đầu tiên năm 1952 đến lần gập nhau lần cuối năm 1976, 24 mùa lá rụng đã qua cuộc đời chúng tôi.

Năm 1977 tôi bị bắt lần thứ nhất. Hai năm tôi sống trong Nhà Giam Số 4 Phan Ðăng Lưu. Năm 1979  trở về mái nhà xưa tôi được tin Tú đã chết ở Trại Cải Tạo Phú Khánh. Trại này nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tôi nhớ Tú nói anh sẽ được giữ lại Trung Tâm Bình Triệu, tại sao anh lại phải đi Trại Phú Khánh? Tôi hỏi và được biết nguyên nhân như sau: một hôm Trung Tâm cần in  một số tài liệu. In ronéo. Vì Tú từng làm báo, biết về việc in và nhà in, nên ban quản đốc giao tiền cho Tú, và hai chú phục hồi đã khoẻ mạnh, mang tài liệu về Sài Gòn in.  Ðến nhà in Tú đặt in, để hai chú bạn ngồi lại, đem tiền in đi luôn. Tú đi choác. Hai chú bạn ngồi va-ly đói dài, tiền ăn cơm trưa không có, tiền lấy đồ in cũng không luôn. Tú biến mất vài ngày rồi cũng trở lại Trung Tâm. Ban quản đốc thấy không thể giữ Tú lại nên cho Tú đi trại. Nghe nói một sáng trời lạnh ở Trại Tù Khổ Sai Phú Khánh, Tú rít điếu thuốc lào, đứng tim, ngã ra chết.

Tú có một bà chị. Năm 1955, khi đất nước ta, bị cắt đứt ở khúc  Bình Ðịnh — Quảng Ngãi, sau 9 năm chiến tranh mới liền một giải từ sông Bến Hải đến Mũi Cà Mâu; thời ông Phạm Xuân Thái làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, Tú và tôi đi một chuyến miền Trung. Tú đi với tư cách ủy viên Bộ Thông Tin, tôi là phóng viên nhật báo Sàigònmới. Tú đưa tôi đến thăm gia đình bà chị Tú ở Lăng Cô, trên đường Huế—Ðà Nẵng. Ông anh rể Tú năm ấy là Trung úy Bác sĩ Quân Y. Anh rất đàng hoàng — danh từ thời đó là réglo — bà chị của Tú hiền hậu. Sau đó, đến những năm 1960 tôi nghe nói ông anh rể của Tú làm giám đốc một quân y viện ở Ðàlạt. Tú lên chơi, vào phòng thuốc của quân y viện, đòi chìa khóa, mở tủ thuốc cấm, lấy cocaine, morphine chích loạn cào cào. Nhân viên thấy Tú là em vợ của bác sĩ giám đốc nên không dám ngăn. Khi bác sĩ biết, ông  cấm cửa không cho Tú đến nhà nữa.

Những năm về sau Tú sống trong nhà anh Thạch Thái Phúc, đường Bùi thị Xuân, Sài Gòn. Anh Phúc là ký giả pháp đình, tức tòa án. Anh có dáng người bệ vệ, kính trắng, ria mép, lúc nào cũng comlê, cavát, cặp da, ô đen. Không ai dám chứa một ông chích choác không phải là con cháu mình ở trong nhà, anh chị Phúc đã chứa Tú. Nghe nói bà mẹ của anh Phúc và bà mẹ của Tú là hai bà bạn thân. Bà mẹ của Tú ở lại Hà nội. Năm 1954 khi gia đình anh Phúc di cư vào Nam, bà mẹ của Tú có lời nhờ bà mẹ anh Phúc trông nom, săn sóc Tú. Anh chị Phúc làm theo ý bà mẹ, cưu mang Tú mãi. Anh chị cho Tú ăn ở trong nhà, chỉ có tiền choác là không chi. Anh Phúc  thông gia với Minh Vồ Con Ong. Minh đã qua đời năm 1993. Anh Phúc còn sống ở Sài Gòn.

Năm 1986 theo Liên Xô, theo Trung Cộng, Tổng Bí thư Ðảng Cộng Sản Nguyễn văn Linh ban hành chính sách “đổi mới,” tuyên bố “cởi trói cho văn nghệ”. Cùng với hằng hà sa số những tác phẩm tiểu thuyết Việt Nam Cộng Hòa từng bị lên án là đồi trụy, phản động, tuyên truyền cho thực dân Mỹ, bị tịch thu, bị hủy hoại, tiểu thuyết Bố Già của Ngọc Thứ Lang được in lại. Hai nhà xuất bản tranh nhau in Bố Già: Nhà Xuất Bản Trẻ Thành Hồ và Nhà Xuất Bản Văn Hóa Hà Nội.

Bố Già của Ngọc Thứ Lang được in lại ở Hoa Kỳ. Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết bestseller từng bán đến 21 triệu cuốn, qua đời ở nhà riêng trong thành phố  Bay Shore, bang NewYork, ngày Một Tháng Bẩy năm 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, tác giả Bố Già, qua đời ở Trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con.

CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG

——————————————————–

Viết thêm Ngày 1 Tháng 8, 2011: Hai nhà xuất bản trong nước, một nhà xuất bản ở Hoa Kỳ, in lại BỐ GIÀ của Ngọc Thứ Lang, đều có trả tiền bản quyền.

Tôi không tin  Google có ảnh các ông Phouma, Khong Le Lèo, nhưng tôi vẫn tìm. Không ngờ có ảnh hai ông. Chỉ những Khưá Lão năm nay tuổi đời trên dưới Tám Bó mới biết những ông Phoumi, Phouma, Khong Le ngày xưaTrên NET không có ảnh Ngọc Thứ Lang.
CTHÐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *