Rời cương vị thủ tướng rồi trở lại chính trường chỉ sau chưa đầy một năm, ông Hun Sen dường như đang đi con đường của cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia gần đây, cử tri ở thủ đô Phnom Penh đã bày tỏ sự mong muốn của họ về việc cựu Thủ tướng Hun Sen trở lại vị trí lãnh đạo.
Trả lời AP ngày 25/2, xã trưởng Oeu Siphon đã bày tỏ niềm tin rằng kinh nghiệm của Hun Sen sẽ có lợi cho quốc gia nếu ông lãnh đạo Thượng viện.
Mặc dù Hun Sen hiện đang giữ chức Chủ tịch Cơ mật viện Tối cao của Quốc vương và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, nhưng vai trò Chủ tịch Thượng viện sẽ tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của ông giai đoạn hậu thủ tướng.
Điều cần lưu ý là mặc dù quyền lực của Thượng viện chủ yếu mang tính nghi lễ nhưng vị trí chủ tịch Thượng viện lại đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia khi nhà vua vắng mặt.
Theo chân Lý Quang Diệu
Cựu Thủ tướng Hun Sen dường như đang noi gương ông Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên của Singapore (1959-1990), người vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể sau khi rút lui khỏi vai trò thủ tướng.
Lý Quang Diệu là người đã thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế Singapore, khiến ông được nhiều người Singapore kính trọng gọi là “cha của chúng tôi” để ghi nhận thành tích của ông trong việc đưa Singapore trở thành một trong bốn “Con hổ châu Á”, cùng với Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ngay cả sau khi rút lui khỏi vị trí thủ tướng, ông Lý Quang Diệu vẫn có ảnh hưởng trong việc định hình các chính sách của chính phủ.
Từ năm 1990 đến năm 2004, ông giữ chức Bộ trưởng Cấp cao, sau đó là Bộ trưởng Cố vấn cho đến năm 2011. Điều này cho phép ông vừa đảm bảo tính liên tục trong các chính sách của mình ở chính phủ kế tiếp, vừa bồi dưỡng khả năng lãnh đạo của con trai ông.
Việc trở thành Chủ tịch Thượng viện cũng sẽ cho phép Hun Sen gây ảnh hưởng lên chính phủ của con trai ông, giống như cách Lý Quang Diệu đã làm.
Hun Sen có thể thành công như Lý Quang Diệu?
Hun Sen có thể lặp lại thành công của Lý Quang Diệu hay không còn phụ thuộc vào khả năng của chính ông, nên đây là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Lý Quang Diệu, được giáo dục dưới hệ thống giáo dục của Anh, có khả năng nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ. Kỹ năng này, kết hợp với khả năng lãnh đạo có tầm nhìn xa của ông, đã cho phép ông lãnh đạo thành công Singapore, phát triển kinh tế nhanh chóng, giúp ông được quốc tế công nhận.
Ông đã tích cực hợp tác với các nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là các nhà lãnh đạo trong khu vực bằng cách chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình và hợp tác trong các vấn đề quan trọng.
Trong khi đó, ảnh hưởng của Hun Sen chủ yếu vẫn ở trong nước. Tuy nhiên, trong suốt 38 năm cầm quyền, ông đã chứng tỏ được thành công đáng kể. Bằng việc ngả về Việt Nam hay Trung Quốc khi cần thiết, Hun Sen đã khéo léo củng cố vị thế và chuyển giao quyền lực thành công cho người con trai cả.
Lý Quang Diệu từng kể rằng khi thăm Phnom Penh vào năm 1967, ông đã từng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tiềm năng của thành phố, “Tôi hy vọng một ngày nào đó, thành phố của tôi sẽ trông như thế này”.
Nhận xét về Hun Sen và một số nhà lãnh đạo Campuchia, trong cuốn hồi ký của mình, ông Lý cũng tỏ ra dè dặt về năng lực của các lãnh đạo Campuchia sau này, khi đánh giá rằng một số nhà lãnh đạo (ngụ ý Hun Sen) "là sản phẩm của những cuộc đấu tranh cay đắng, gay gắt, không ngừng nghỉ, trong đó các đối thủ hoặc bị loại bỏ hoặc bị vô hiệu hóa. Họ hoàn toàn tàn nhẫn và không hề có chút cảm xúc nhân đạo."
Mặc dù duy trì quyền lực vững chắc kể từ khi thành lập đất nước và thiết lập một cách hiệu quả một nhà nước được lãnh đạo bởi một đảng chiếm ưu thế, sự lãnh đạo ban đầu của Lý Quang Diệu là công cụ định hình quỹ đạo của Singapore. Ông được một số học giả xem là một "nhà độc tài nhân từ".
Trình độ giáo dục cao của người dân và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền đã góp phần duy trì sự ủng hộ cho cả Lý Quang Diệu và con trai ông, Lý Hiển Long, ngay cả sau khi đảng của ông đã mất một số ghế trong những năm gần đây.
Peter Popham của tờ The Independent gọi Lý Quang Diệu là "một trong những nhà chính trị thực dụng thành công nhất."
Tình hình ở Campuchia lại cho thấy một bức tranh khác. Trong khi các đảng đối lập tồn tại, họ phải đối mặt với sự đàn áp đáng kể. Môi trường này đã dẫn đến việc Hoàng tử Norodom Ranariddh (năm 1997) và chính trị gia đối lập Sam Rainsy (năm 2016) phải lưu vong sang Pháp.
Ngoài ra, việc tập trung quyền lực quân sự vào tay các cộng sự thân cận của Hun Sen, cùng với sự ủng hộ của Việt Nam kể từ khi nắm quyền đã định hình ông như một nhà lãnh đạo khó bị thách thức.
Một chương mới bắt đầu?
Hun Sen có thể được hưởng lợi từ việc nghiên cứu mô hình thành công của Lý Quang Diệu nếu ông áp dụng thể chế "độc tài nhân từ", do sự chấp nhận phổ biến đối với phong cách lãnh đạo này ở một số nền văn hóa châu Á.
Việc Hun Sen rời khỏi vị trí thủ tướng không có nghĩa là sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc; nó đơn giản chỉ là sự khởi đầu của một chương mới.
Mức độ phát triển của Singapore, đặc trưng bởi sự văn minh, sạch sẽ và một nền kinh tế mạnh mẽ, có thể là con đường đáng mơ ước đối với Campuchia. Tuy nhiên, Hun Sen có thể đạt được mức độ tác động như Lý Quang Diệu hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực của chính ông và bối cảnh cụ thể của Campuchia.
Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời cũng như thế hệ lãnh đạo thời chiến của Việt Nam lui về hậu trường, Hun Sen đã nổi lên như một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất trong khu vực.
Việc ông liên tục nắm giữ quyền lực trong gần bốn thập kỷ đã mang lại cho ông nhiều kinh nghiệm và nhận được sự ủng hộ đáng kể từ quần chúng. Điều này sẽ thúc đẩy tầm nhìn của ông trong việc dẫn dắt đất nước hướng tới một thời kỳ hoàng kim như giai đoạn Đế quốc Khmer (thế kỷ 10 – 15) mà nhiều người Campuchia vẫn luôn hoài niệm.
*Link gốc: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4nvqn02zpxo